Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

VÌ SAO NGƯỜI ARAP VÀ NGƯỜI HỒI GIÁO NHẬN ISHMAEL LÀM TỔ PHỤ

Hai vợ chồng Abraham và Sarah đều cằn cỗi, và Sarah đã quá tuổi sinh nở. Thượng đế giữ lời hứa sẽ đặt hai ông bà đứng đầu các dân tộc ngài, nên cho Sarah hạ sinh Isaac khi ông 100 tuổi còn bà 90 tuổi. Thế nhưng khi Isaac lớn lên thành một thiếu niên xinh đẹp, Thượng đế lại đòi hỏi Anbraham đem con lên núi, thiêu tế con. Trong khi đó, với Thượng đế, lễ vật thiêu tế từ trước tới nay là súc vật chứ không phải con người.
            Abraham vâng lời. Đưa con lên núi, trói vào dàn thiêu. Khi ông vung dao lên toan chém xuống, thì Thiên thần từ trời gọi xuống ngăn ông lại và cho biết qua hành động sẵn sàng hiến dâng con một, Abraham chứng tỏ là người kính sợ Thượng đế. Kế đó, thay vào chỗ của Isaac là một con cừu đực chưa thiến mắc trong bụi cây. Như thế, Abraham đã vượt qua được cuộc thử nghiệm sau cùng về đức tin tuyệt đối của ông vào Thượng đế. Và đức tin này không dùng để để đánh đổi của cải thế tục.

            Đối với người Do Thái giáo, hành động trói Isaac là một biểu tượng quyền năng mang tính thần học. Sự tận hiến của tín đồ Do Thái giáo cho Thượng đế phải lấy kiểu mẫu từ sự vâng lời không một chút thắc mắc của Abraham và sự ưng thuận ngoan ngoản của Isaac.

            Theo truyền thống Kitô giáo, sự kiện Abraham sẵn lòng hiến tế con trai Iasac của ông trên giàn thiêu là hình ảnh tiền thân của sự sẵn lòng của Đức Chúa cha để cho con trai là Đức Giêsu hiến tế trên cây Thánh giá để cứu độ loài người.

            Trong khi đó, theo người Hồi giáo - mà chữ Islam nguyên nghĩa là "qui phục" thì câu chuyện Abraham (Ibrahim) tế con này đóng vai trò chủ đạo. Điều đáng chú ý là người Hồi giáo quả quyết rằng đứa con được Abraham đặt lên dàn thiêu để hiến tế không phải là Isaac, mà chính là Ishmael, thủy tổ của dân tộc A Rập.

            Khi chưa thụ thai Isaac, Sarah tự ý tiến dâng cho Abraham nữ tì Hagar, người Ai Cập của mình. Và Hagar sinh ra Ishmael. Sau vì xung khắc với Sarah nên hai mẹ con phải bỏ nhà ra đi, sống ở sa mạc, và Ishmael trở thành tổ phụ của dân tộc A Rập. Theo phong tục Đông phương, cũng như Việt Nam trước đây, trưởng nam là đứa con trai đầu lòng của bà vợ cả. Thứ thất do bà vợ cả cưới hỏi, hay xuất thân tì nữ, thường gọi là hầu thiếp, tì thiếp hay vợ hầu; con cái phải gọi bà chính thất là mẹ. Và trong Tử vi đẩu số, vận số hầu thiếp nằm ở cung Nô bộc chứ không ở cung Thê.

            Tuy thế, người A rập nói chung và Hồi giáo nói riêng, viện dẫn Ishmael là đứa con chính thức, và theo luật vùng Lưỡng hà địa (Mesopotamia) thời đó cũng như theo sách Sáng thế, thì Ishmael có quyền thừa kế hợp pháp, và  ông sống tới 137 tuổi. /.

            Nguồn: Trích từ Kho tàng truyện dân gian Do Thái, sắp xuất bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét